[Góc tuyên truyền GDBVMT] Cuộc trò chuyện kỳ lạ

- Này chào cậu! Đi học sớm thế. Này, này, tớ chào cậu đấy.

Đổi lại sự niềm nở của tôi, cậu bé không nói không rằng, nhét vỏ hộp sữa vào bên trong người tôi rồi đi mất. Tôi nhìn cậu bé rồi nhủ thầm: “Thôi không sao, ít ra cậu ấy cũng đã vứt vỏ sữa đúng chỗ.”

Tôi là một chiếc thùng rác được đặt ở trong trường Tiểu học và THCS Thành Công này. Thật ra tôi mới sản xuất được hơn 1 năm thôi. So với mọi người trong họ, tôi còn bé lắm. Họ thùng rác nhà tôi rất đông, nào là bác Hữu Cơ màu xanh lá, cô Vô Cơ màu vàng hoặc da cam, anh Tái Chế nữa, sặc sỡ vô cùng. Thế hệ đi sau chúng tôi, do đặc thù công việc ở trường học nên được đúc thành hình con chim cánh cụt há miệng, nhìn mới lạ hơn, dễ thương hơn. Ngoài ra còn rất rất nhiều loại thùng rác khác nữa, tất cả đều thuộc họ nhà tôi. 

Thùng rác phân loại 3 ngăn

Thùng rác chim cánh cụt ngộ nghĩnh

Ở đây đã hơn 1 năm, tôi cũng thuộc tên, nhớ mặt của kha khá học sinh trong trường. Không phải vì họ giới thiệu với tôi đâu, tôi nhớ dựa trên cách họ bỏ rác vào tôi. Nhớ nhất vẫn là cậu Hùng lớp 4E, lần nào bỏ rác cũng là đi trên xe đạp, lượn gần vào chỗ tôi và ném “viu” một cái. Có hôm may mắn rơi trúng, nhưng cũng có hôm trượt ra ngoài, rác văng tung tóe. Tôi hét gọi cậu ta quay lại nhặt đi, nhưng dường như cậu ta chẳng nghe thấy, cứ tiếp tục đạp xe đi mất. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu có ý thức vứt thì đến hẳn thùng rác bỏ vào cho trót, ném thế thì khác gì vứt rác bừa bãi ra đường đâu.

Đang nghĩ linh tinh, bất chợt có hai cái vỏ chai nước từ đâu bay đến, va “bộp” vào đầu tôi, đau điếng. Định thần lại, tôi hướng mắt ra nhìn, vẫn lại là cậu Hùng đó. Chắc gần đến giờ vào lớp nên cậu ta ném luôn cho nhanh để còn kịp gửi xe. Hai cái vỏ chỏng chơ giữa đường đi lối lại, học sinh đi qua chẳng ai buồn nhặt. Có cậu nghịch ngợm còn cố tình đá cho nó đi xa hơn. Suốt từ tiết 1 đến tiết 4, nó vẫn nằm ở chỗ đó, dù tôi thấy cả chục người đi ngang qua mà cố tình như không để ý. Tôi tức lắm mà chẳng làm gì được, mắt cứ nhìn theo hai chiếc vỏ đó.

Tùng…tùng…tùng

Trống báo hiệu tan học vang lên. Học sinh nườm nượp đổ ra khỏi lớp học. Tôi thầm nghĩ: “Thôi chắc phải đợi lát nữa, lao công đến họ mới dọn được.” Bất chợt có một bàn tay nhỏ nhắn bỏ hai cái vỏ đó vào trong miệng tôi, tôi ngước lên nhìn, một cô bé đeo khăn quàng đỏ, tay xách túi, tóc buộc hai bên nhìn rất dễ thương. Tôi nói “Cảm ơn” như thường lệ dù biết cô bé cũng không nghe thấy.

- Cậu không cần cảm ơn đâu! Mình thấy thì mình nhặt thôi.

Tôi như không tin vào tai mình nữa, lắp bắp hỏi lại:

- Cậu…cậu… nghe thấy… mình nói à?

- Dĩ nhiên rồi, mình để ý mấy lần cậu còn chào mình cơ. Mình có vẫy tay chào lại nhưng chắc cậu không để ý!

Tôi lục lại trí nhớ của tôi. Không thể nào, con người không thể hiểu ngôn ngữ của thùng rác, mình chỉ chào vui vui vậy thôi mà. Ồ, từ từ, hình như có lần bác Hữu Cơ nói với mình, chỉ những con người thật sự quan tâm và có tình yêu với môi trường thì mới nghe và hiểu được ngôn ngữ của thùng rác. Tiếng nói của cô bé cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Mẹ mình làm lao công ở đây, nên mình hay phụ mẹ lắm. Mẹ mình bảo thùng rác là một phát minh tuyệt vời của loài người, nếu rác cứ vứt bừa bãi thì vừa gây ô nhiễm, lại còn khó thu gom lại cho sạch sẽ nữa.

- Vậy hả, cậu tên là gì, học lớp mấy rồi?

- Mình tên My, học lớp 5A. Cậu ở đây cũng hơn 1 năm rồi ấy nhỉ! Trước đây là thùng rác màu xanh cơ, sang năm nay nhà trường đổi mới toàn bộ thùng rác.

- Ừ, chúng mình được nhận chỉ đạo là với hình dáng dễ thương hơn, thì trẻ em sẽ có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng chỗ, góp phần làm đẹp môi trường. Mỗi tội, hơn 1 năm nay, mình chứng kiến nhiều bạn học sinh vứt rác bừa bãi, lại còn vứt kiểu “cho nó xong” nữa cơ. Cứ như cậu Hùng lớp 4E đấy. Hai cái vỏ vừa rồi là tác phẩm của cậu ấy đấy.

- Ừ mình hiểu rồi. Mình là đội trưởng đội “Em bảo vệ môi trường” của trường đó, chúng mình cùng cô Tổng phụ trách đang có vài dự án góp phần làm sạch đẹp môi trường, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới, sẽ tiến hành từ tuần sau. Mình tin rằng tình trạng cậu nói sẽ được cải thiện sớm thôi.

- Ồ, hay đấy. Nói cho mình nghe dự án của các cậu được không?

- Không được, bí mật. Rồi cậu sẽ biết thôi. Mình về đây, muộn rồi. Chào cậu nhé, bạn Thùng Rác Cánh Cụt.

Nhìn theo bước chân cô bé, tôi suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện lúc nãy, tò mò không biết dự án của cô bé là gì. Biết bao câu hỏi hiện lên trong đầu. Liệu cô bé có ý tưởng gì nhỉ? Cô bé hiểu ngôn ngữ của mình, chứng tỏ phải rất yêu và quan tâm đến môi trường. Liệu dự án của cô bé có thành công không? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoắn lấy tôi, mãi đến tận khuya. Đằng nào sáng mai cũng là thứ 7, ngày nghỉ của học sinh, tôi cũng sẽ được nghỉ ngơi, tối nay cứ thức khuya một chút cũng được. Rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không hay.

Thùng rác tại trường học

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khá muộn. Mở mắt ra nhìn xung quanh, tôi giật mình vì bộ áo của tôi, nó đã được thay đổi. Thân áo được dán thêm nhiều lá, hoa, còn có thêm dòng chữ “Xin cho tôi rác” và “Hãy bảo vệ môi trường”, nhìn đẹp hơn nhiều so với bộ áo cũ. Tôi đang nhìn quanh tìm xem ai đã làm bộ áo mới này thì thấy My tươi cười đi đến. My hỏi:

- Sao nào, dự án đầu tiên của bọn mình tuyệt không?

- Tuyệt vời, mình thích lắm. Mà mỗi mình cậu làm hả My?

- Không đâu, có cả các bạn khác trong đội nữa. Các bạn ấy đang hoàn thành nốt cho mấy thùng rác ở phía kia. Cậu ngủ say thật đấy, chúng mình đến làm từ sớm, làm cả cho cậu nữa mà cậu chẳng hay biết gì.

Tôi cười, My cũng cười theo.

Những ngày sau đó, tôi thấy My ở sân trường nhiều hơn. Khi thì là phát tờ tuyên truyền cho mọi người, khi thì ở bàn “Đổi giấy lấy quà”, là bàn thu giấy vụn đem tái chế. Đặc biệt, My còn thay mặt toàn đội phát biểu, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cho học sinh toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần. Tôi nhìn thấy rõ sự thay đổi, các em học sinh bây giờ đã có ý thức hơn, thấy rác trên đường đã tự giác nhặt bỏ vào thùng. Cậu Hùng bây giờ cũng không còn kiểu “ném rác” như ngày xưa nữa, cậu đã biết dừng xe rồi vứt rác cẩn thận vào thùng. Mọi thứ trở nên nền nếp hơn, quy củ hơn, tất cả là nhờ dự án của My và cô Tổng phụ trách.

Rồi một hôm, đã tan học khá lâu mà tôi vẫn nhìn thấy My đi xung quanh trường, đi đến từng chiếc thùng rác và nói điều gì đó. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới thấy My đến chỗ tôi, nhìn mắt cô bé long lanh ướt, tôi hỏi:

- Cậu có chuyện gì buồn hả My?

- Không có chuyện gì đâu cậu.

- Cậu nói dối, không có chuyện gì sao mắt cậu lại thế kia!

- Mình…mình…

- Có chuyện gì thì chia sẻ sẽ tốt hơn đấy, dù mình cũng chỉ là thùng rác thôi, không phải con người, nhưng để trong lòng khó chịu lắm.

- Mẹ mình…mẹ mình đã được một xí nghiệp bên Bắc Ninh nhận làm công nhân, mình và mẹ mình sẽ…chuyển đến Bắc Ninh sinh sống, sau khi…hết năm học này.

Không gian chùng xuống đến khó tả. Tôi cũng bị bất ngờ, chỉ hỏi lại được một câu:

- Vậy cậu không học ở trường mình tiếp à?

My không trả lời, chỉ khẽ gật đầu.

Dù rất buồn nhưng tôi vẫn cố nén lại, an ủi My:

- Không sao đâu, cậu vẫn là bạn của tất cả Thùng Rác Cánh Cụt chúng mình mà.

- Nhưng…nhưng…sau này…mình… mình không gặp lại…các cậu nữa – My càng sụt sịt to hơn.

- Sao cậu lại nói thế. Đâu đâu cũng có họ nhà Thùng Rác mà. Cậu đi học ở trường mới, cậu sẽ lại gặp các bạn Thùng Rác khác, cậu có thể hỏi thăm tin tức về chúng mình qua các bạn ấy. Cậu có khả năng hiểu ngôn ngữ của thùng rác mà, sẽ ổn cả thôi – Tôi nhắm mắt nói một hơi, cố không để My nhận ra tiệng nghèn nghẹn trong giọng nói.

- Nhưng…nhưng…

- Không nhưng gì cả, tất cả chúng mình vẫn coi cậu là bạn. Khi nào có thời gian thì lên thăm chúng mình nhé. Muộn rồi đấy, cậu về đi không mẹ lại mong.

Gương mặt My đã rạng rỡ hơn lúc trước một chút, cô bé khẽ lấy tay xoa đầu tôi rồi quay bước hướng ra cổng trường. Đợi cô bé đi một quãng xa, tôi mới hét lên:

- Cảm ơn cậu vì tất cả, My nhé.

Trong nắng trưa như đổ lửa, tôi thoáng thấy My mỉm cười. 

Tác giả: Phạm Thọ Hải Minh, K65 TN, Khoa Toán Tin


Source: 
30-03-2017
Tags