Ông Trịnh Ngọc Trình
PV: Thưa ông vì sao phong trào "Ba sẵn sàng” lại có sức hấp dẫn, cuốn hút thanh niên và mang lại hiệu quả lớn lao đến vậy?
Ông Trịnh Ngọc Trình: Theo tôi, phong trào ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên. Khi đất nước lâm nguy, ý chí quật cường, lòng tự tôn dân tộc, khí phách anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam đã bùng dậy. Phong trào "Ba sẵn sàng” được phát động, thanh niên nhập vào phong trào như những dòng suối đổ về sông và những dòng sông này đều dồn về biển cả. Nhưng điều quan trọng nữa là nội dung "Ba sẵn sàng” xuất phát từ Trường ĐHSP Hà Nội, sau này Thành đoàn Hà Nội phát động đã mang được tầm vóc của đất nước, của lịch sử, nâng thanh niên lên ngang tầm thời đại lúc bấy giờ… Cứ như thế mà phong trào đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, trở thành cao trào cách mạng của thanh niên, của dân tộc, giúp đất nước Việt Nam nhỏ bé đánh thắng đế quốc Mỹ.
Thưa ông gắn với ánh hào quang chiến thắng luôn là những khoảng lặng, khoảng lặng của sự mất mát hy sinh?
- "Ba sẵn sàng” sẽ là một trong những trang đẹp nhất, hào hùng nhất của lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam. Nhưng "Ba sẵn sàng” còn có những khoảng lặng, có những mất mát hy sinh, có cả máu và nước mắt nữa. Chiến tranh là vậy. Mất mát hy sinh, máu và nước mắt chẳng bao giờ là vô nghĩa. Nhưng hơn thế sự hy sinh bao giờ cũng là giá trị mang tính vĩnh hằng nếu chúng ta biết trân trọng những giá trị ấy. Khi nghĩ về những đồng đội của tôi, những liệt sỹ "Ba sẵn sàng” cho dù họ là người cầm súng hay người cầm bút tôi vẫn nghĩ dường như chúng ta còn đang nợ họ, đang nợ thế hệ đi trước một điều gì đó. "Ba sẵn sàng” vẫn còn đó trong tâm thức của những người đã trải qua một thời chinh chiến gian lao. Nhưng… ai dám chắc nhiều người của thế hệ hôm nay và mai sau biết về sự hy sinh lớn lao của họ…
Vì vậy, nếu được ước một điều, tôi mong tại khuôn viên của Trường ĐHSP Hà Nội - cái nôi của phong trào "Ba sẵn sàng” ngoài những bức tượng của những danh nhân nổi tiếng-những người đã sáng lập ra mái trường này cũng sẽ có một tượng đài dù nhỏ thôi để các thế hệ sinh viên hôm nay và mai sau biết về họ. Biết về một lớp người gác bút nghiêm lên đường chiến đấu và đã hy sinh cho đất nước trường tồn.
Để thế hệ trẻ hiểu, biết về lịch sử thôi là chưa đủ. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thổi bùng ngọn lửa "Ba sẵn sàng” cho thế hệ trẻ, giúp họ có hành động thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay?
- Điều cần làm lúc này là "Ba sẵn sàng” cách đây 50 năm cần được tiếp tục lan tỏa một cách mạnh mẽ hơn trong trái tim của thanh niên Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tất nhiên, đi vào thời kỳ hòa bình, kiến thiết xây dựng đất nước phong trào có quy luật mới. Đặc biệt quy luật kinh tế thị trường đã khiến không ít người chạy theo giá trị vật chất tầm thường, mà quên đi những giá trị khác. Tuy nhiên, đại bộ phận thanh niên của nước ta đa số là những thanh niên có hoài bão cống hiến, rất nhiều người quên đi những lợi ích riêng tư cống hiến cho đất nước.
Điều làm tôi và nhiều người ấn tượng đó là nhiều năm gần đây Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào "Thanh niên tình nguyện”. Giờ phong trào này đã đi vào cuộc sống trở thành hình ảnh đẹp với mỗi người dân Việt Nam. Tôi cho rằng, lòng yêu nước luôn tiền ẩn trong mỗi người con đất Việt, chỉ có điều chúng ta có biết khơi dậy nó hay không mà thôi!
Nói như ông tức là cần phát động trong thanh niên những phong trào giống "Ba sẵn sàng” trước đây?
- Đúng vậy. Vấn đề cần nhất lúc này là thiết kế phong trào đặc biệt để khơi dậy sức trẻ, tinh thần xung kích của thanh niên. Chẳng hạn, trong nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước thì vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đang nổi lên. Vì vậy, phải thiết kế một phong trào thanh niên tình nguyện ở khu vực biển đảo thế nào, rồi thanh niên cả nước hưởng ứng thế nào với phong trào này. Trách nhiệm của cán bộ đoàn là ở chỗ phong trào sẽ được tổ chức, xây dựng ra sao? Biển đảo quê hương sẽ trở nên giàu có thế nào nếu có bàn tay thanh niên?
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Lục Bình