Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, giảng viên các trường đại học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ trẻ chính là nguồn lực và cũng là chủ thể trong quá trình phát triển của nhà trường. Xác định được trọng trách đó, cán bộ trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội không ngừng bồi dưỡng chuyên môn và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ Trẻ công bố trong và ngoài nước đã từng bước khẳng định vị trí của cán bộ Trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong cộng đồng khoa học.
Được sự nhất trí của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà Trường, BCH Đoàn Thanh niên Trường là đầu mối tổ chức Hội thảo khoa học cán bộ trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần thứ VIII-2016 với chủ đề “Đổi mới và hội nhập”
Đến tham dự Hội thảo vinh dự có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Đức Tiến – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội. Về phía trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sự hiện diện của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS.TS Đỗ Việt Hùng – Phó hiệu trưởng trường ĐHSPHN; ThS Nguyễn Thanh Xuân – Bí thư Đoàn trường ĐH SPHN; TS Nguyễn Thu Hiền – Phó Bí thư Đoàn trường phụ trách công tác chuyên môn; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, đại diện Ban Chủ nhiệm, trợ lý khoa học các khoa; Bí thư Liên chi Đoàn, bí thư chi đoàn cán bộ các đơn vị cùng toàn thể cán bộ trẻ và sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới tham dự chương trình.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo khoa học cán bộ trẻ trường ĐHSP Hà Nội, GS.TS Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh thay mặt BGH nhà trường đã biểu dương, ghi nhận những thành quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học của lực lượng cán bộ giảng viên trẻ, chúc mừng các cán bộ có công trình khoa học giá trị và công bố quốc tế.
Nhìn chung, số lượng và chất lượng các NCKH của cán bộ trẻ đã có sự tiến bộ, “tiến bộ so với chính mình”, nhưng so với khu vực và quốc tế thì dường như còn rất chậm, thậm chí tụt hậu. Các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học xã hội còn tương đối hạn chế.
Giáo sư, Hiệu trưởng đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với cán bộ trẻ trong NCKH: tăng cường tính hợp tác, liên kết giữa các nhóm tác giả; có sự đầu tư nghiêm túc, có lộ trình đối với việc NCKH và tiến hành công bố các công trình khoa học có giá trị với cộng đồng khoa học khu vực và quốc tế. Nhà khoa học trẻ cần chủ động hội nhập và vươn ra biển lớn. Hội thảo khoa học cán bộ trẻ những năm tới của trường ĐHSP Hà Nội phải được trình bày bằng tiếng Anh (kiểm nghiệm tính thực tiễn và hiệu quả của các khóa học bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ dành cho các cán bộ trẻ của Trường).
Ban Giám hiệu cũng sẽ tạo những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho những công trình khoa học đặt ra những vấn đề có tầm vóc, có cam kết về tính thiết thực, hiệu quả của sản phẩm, đặc biệt trong khoa học Giáo dục và khoa học Xã hội; hỗ trợ tối đa cho cán bộ trẻ thực hiện các công trình khi chuẩn bị hồ sơ xét công nhận học hàm, học vị.
Năm 2016, có tổng số 18/23 khoa đã tổ chức Hội thảo khoa học Cán bộ trẻ thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ trẻ đang công tác và học tập ở trong nước và nước ngoài. Ban tổ chức Hội thảo khoa học cán bộ trẻ trường ĐHSPHN đã nhận được hơn 50 bài nghiên cứu khoa học có xác nhận từ Hội đồng khoa học cấp khoa. Các bài viết tập trung chủ yếu trên ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên – kỹ thuật, khoa học giáo dục và khoa học xã hội – ngoại ngữ. Các báo cáo đã thể hiện quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các tác giả khi tiếp cận các vấn đề khoa học cũng như xu hướng nghiên cứu mới trong nước và trên thế giới, các vấn đề nóng về thực trạng trong giáo dục và đào tạo, các nghiên cứu điều tra nhằm nâng cao hiệu quả dạy học, đổi mới phương pháp dạy học; có những công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về các khía cạnh của đổi mới giáo dục; nhiều công trình là kết quả của quá trình ứng dụng và thực nghiệm công phu.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo gồm có:
GS.TS Đỗ Việt Hùng – Phó hiệu trưởng trường ĐHSPHN
ThS Nguyễn Thanh Xuân – Bí thư Đoàn trường ĐH SPHN
TS Nguyễn Nam Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường và Bí thư LCĐ khoa Tâm lý giáo dục.
Các báo cáo trình bày tại Hội thảo gồm có:
1. Thực trạng và biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành thông qua hình thức seminar tại các khoa ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ThS. Nguyễn Thị Anh Đào – Khoa Tiếng Pháp.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định gắn bó hay từ bỏ giáo dục đặc biệt của Cử nhân Sư phạm Giáo dục đặc biệt – Trường ĐHSPHN - ThS Hoàng Thị Lệ Quyên – Khoa Giáo dục đặc biệt
3. Vận dụng quan điểm dạy học truyền cảm hứng vào dạy học môn Toán Trung học phổ thông ở Việt Nam - TS Vũ Đình Phượng – Khoa Toán - Tin
4. Ứng dụng phần mềm dạy học ở trường Trung học Phổ thông - ThS Kiều Phương Thùy – Khoa Công nghệ thông tin
5. Các mô hình lãnh đạo dạy học và hướng vận dụng trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay - TS Vũ Thị Mai Hường – Khoa Quản lý giáo dục
Các báo cáo viên đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu phần trình bày và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ trẻ, các bạn sinh viên ham thích nghiên cứu khoa học.
Hội thảo kết thúc lúc 11h15’ cùng ngày trong không khí sôi nổi, nhiệt huyết cống hiến của các cán bộ trẻ và các bạn sinh viên Sư phạm.
(Đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các báo cáo viên)
VĂN PHÒNG ĐOÀN