Hướng tới “Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 02/9”, cùng học tập và ôn lại những thành quả của Đảng và nhân dân ta trong 75 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt là giá trị, ý nghĩa lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự chỉ đạo của Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vào ngày 20/9/2020, Liên chi Đoàn khoa Lịch sử đã tổ chức một buổi sinh hoạt chi đoàn dưới dạng thực tế chuyên môn cho sinh viên K68 thuộc hai chi đoàn K68A và K68CLC tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. Cùng với mục tiêu trên, buổi tham quan còn có mục đích để cho sinh viên khoa Lịch sử có thể tiếp cận tri thức một cách trực tiếp thông qua các hiện vật với phương châm “Học Sử tại nơi có “Sử”’ – thay đổi thực trạng giáo dục từ “nguồn” giáo dục.
Là một trong 6 bảo tàng quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật phản ánh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc của quân và dân ta cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Hàng vạn hiện vật, tài liệu có giá trị được sưu tầm, bảo quản và trưng bày tại bảo tàng là pho sử về cách mạng Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thành lập ngày 17/7/1956, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - ban đầu có tên Bảo tàng Quân đội - có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử thuộc về quân đội và phản ánh cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hệ thống Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có diện tích 3200m2, được chia làm 2 phần, bao gồm: hệ thống trưng bày ngoài trời và hệ thống trưng bày trong nhà.
- Ở khu trưng bày bên ngoài bảo tàng là những hiện vật chiến tranh như xác máy bay Mỹ, các loại xe tăng, pháo, súng thần công … có kích thước và tầm vóc to lớn, gắn liền với những thăng trầm và chiến thắng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Nổi bật bên ngoài bao gồm 2 bảo vật quốc gia: Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và máy bay MiG-21 số hiệu 5121. Tấm bản đồ “Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh”. Đây đều là những hiện vật gốc thể hiện ý chí và tinh thần quyết thắng của quân, dân cả nước.
- Khu trưng bày trong nhà được chia làm 3 khu vực: S2, S3, S4. Tầng một của tòa nhà S2 trưng bày các di tích, hiện vật lịch sử phản ánh công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc từ thời Hùng Vương – An Dương Vương đến trước năm 1930. Trên tầng 2 là khu trưng bày những hiện vật quân sự Việt Nam từ năm 1930 cho đến hết thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954) và sa bàn chiến dịch lừng danh một thời – chiến dịch Điện Biên Phủ. Tòa nhà tiếp theo S3 có tầng 1 được chia thành 3 khu rừng bày hiện vật: cuộc kháng chiến chống Mỹ trong những năm 1954 đến 1968, đường mòn Hồ Chí Minh và cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Lên trên tầng 2 được chia thành 3 khu trưng bày cho: lịch sử Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1975, phòng trưng bày vũ khí thô sơ tự tạo trong thời kỳ chiến tranh những năm 1945 – 1975, đặc biệt phải kể đến khu lưu giữ những hiện vật về sự ủng hộ của thế giới về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở Việt Nam và tòa S4 nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử từ 1975 đến nay, chuyên đề nhớ công Bà mẹ Việt Nam anh hùng và mô hình tái hiện chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sinh viên tập trung theo dõi và rất ấn tượng với mô hình chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Điểm ấn tượng trong chuyến sinh hoạt thưc tế là phòng trưng bày triển lãm “Cách mạng tháng Tám – Mốc son lịch sử” do Bảo tàng lịch sử quân sự phối họp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức. Triển lãm nhằm góp phần giúp các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu. Phần một của Triển lãm có chủ đề “Mùa thu lịch sử”, với những hình ảnh, hiện vật khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Với chủ đề “Sức mạnh niềm tin”, phần hai của Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975, qua đó bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
“Tiếp bước vinh quang” là chủ đề của phần ba, với nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Sinh hoạt chi đoàn dưới dạng thực tế chuyên môn mang lại nhiều kiến thức và hưởng ứng của đoàn viên sinh viên
Đặc biệt, tại Triển lãm lần này, Bảo tàng giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử quý như: Bộ sưu tập truyền đơn, báo chí phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (bao gồm: Truyền đơn của Việt Nam Độc lập Đồng minh phát hành, kêu gọi đồng bào đánh Pháp - Nhật giành độc lập, năm 1945; Truyền đơn “Đứng lên! Toàn dân kháng chiến! Toàn dân kháng chiến! Trường kỳ kháng chiến” của Tổng bộ Việt Minh phát hành năm 1946; Truyền đơn “Kính cáo đồng bào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Báo Cờ Giải phóng; Báo Cứu quốc; Báo Nước Nam mới; Báo Quân Giải phóng...); Bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự vệ (gươm, giáo, mác, kiếm...) của nhân dân sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; Bộ sưu tập sắc lệnh, văn bản của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành trong những năm đầu của chính quyền cách mạng (gồm: Sắc lệnh số 05-SL của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam.
Bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự vệ gồm gươm, giáo, mác, kiếm… của nhân dân sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập; Trống - Tỉnh ủy Nghệ An dùng phát lệnh khởi nghĩa trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931...
Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thông qua những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện lịch sử, đặc biệt là các tư liệu gốc, triển lãm “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử” đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Thông qua việc tham quan triển lãm, sinh viên khoa Lịch sử - những giáo viên tương lai học hỏi được cách tiếp cận vấn đề, cách sử dụng tư liệu gốc vào giảng dạy lịch sử, thu thập thêm tài liệu để phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp sau này.
Thầy trò khóa 68, khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại Bảo tàng
Chuyến đi thực tế tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam của thầy và trò khoa Lịch sử đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng các bạn sinh viên và cao hơn thế chính là lòng tự hào trước những chiến công oanh liệt của cách mạng Việt Nam được phục dụng lại tại Bảo tàng. Mỗi hiện vật được sưu tập và trưng bày trong bảo tàng đều mang theo mình một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa, những câu chuyện kể về những khó khăn của thời kì kháng chiến giành độc lập, những câu chuyện về những cá nhân có công với cách mạng …, những người cống hiến cả tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và tính mạng đều vì một mục đích chung là độc lập - tự do cho dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: LCĐ Khoa Lịch sử