Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần san sẻ gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Xã hội hóa giáo dục giúp cả xã hội nhận thức được giáo dục là một vấn đề hệ trọng của đất nước, không có một nền giáo dục tốt thì khó có thể đưa đất nước phát triển. Xã hội hóa giáo dục ở nước ta được bắt đầu từ bậc Đại học, sau đó đã mở rộng ra cả hệ thống.
Theo nhiều chuyên gia về giáo dục, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trông chờ nhiều vào kết quả của cấp đào tạo Đại học, trong khi giáo dục Đại học hiện con rất nhiều bất cập.
GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng trước hết phải xác định rõ mục tiêu giáo dục Đại học để làm gì? Ai cũng biết rằng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải có chuyên gia. Mà chuyên gia phải được bắt đầu từ cấp học Đại học nhưng hiện trạng giáo dục Đại học ở nước ta vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ chỉ riêng một số doanh nghiệp nước ngoài tuyển kỹ sư cũng không đủ. Vì thế phải nhận diện rõ được những bất cập của giáo dục Đại học hiện nay.
|
Đại học công-tư phải phát triển cân đối |
“Nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… về lực lượng sinh viên, giáo dục Đại học, chúng ta kém họ tất cả những điều đó. Như vậy thì làm sao thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 cơ bản là nước công nghiệp hóa. Vậy chúng ta phát triển như thế nào?”- GS Trần Phương trăn trở.
Theo GS Trần Phương, chính sách đối với các trường đại học ngoài công lập hiện nay chưa tích cực. Việc hạn chế lập các trường Đại học tư thục vì lo ngại về chất lượng là đi ngược với xu thế phát triển chung của thế giới. “Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương hạn chế số lượng ngành học để nâng cao chất lượng, tôi cho rằng không đúng. Số lượng và chất lượng không phải bao giờ cũng tỷ lệ nghịch. Việc hạn chế số lượng để có chất lượng là không đúng, không phù hợp với thực tế, là hạn chế giáo dục”.
Cần theo đuổi con đường xã hội hóa giáo dục
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, điều cơ bản khiến giáo dục có nhiều vấn đề như hiện nay là do ngân sách rất hạn hẹp. GS Sính lấy dẫn chứng khi nói về một trường Đại học nào đó trên thế giới, người ta thường nói đến ngân sách dành cho sinh viên hành năm. Cụ thể con số này được tính bằng học phí sinh viên đóng (ở nhiều nước của châu Âu khoản này không có vì sinh viên không phải đóng học phí) + hỗ trợ Nhà nước cho mỗi sinh viên + hỗ trợ của doanh nghiệp (nếu có). Ngân sách dành cho sinh viên trên thế giới có thể từ 50.000 USD và mức thấp nhất là 5.000 USD, chưa bao giờ nghe nói tới con số 500 USD. Nhưng đây lại là con số trung bình ở tất cả các trường Đại học ở nước ta, cả công lập lẫn ngoài công lập. Cũng có trường vượt con số này, nhưng nhiều trường ở mức thấp hơn. “Chính đây là nguyên nhân gây nên tất cả khó khăn, yếu kém cho nền giáo dục Đại học nước ta. Tổng quát hơn ngân sách giáo dục hạn hẹp đã gây nên mọi khó khăn cho tất cả các cấp học, từ mầm non đến Đại học”- GS Sính nhấn mạnh.
GS Trần Phương cũng cho rằng, ngành giáo dục hiện nay và giáo dục Đại học nói riêng đang rất thiếu vốn. Trong nhiều năm qua, mức đầu tư cho giáo dục đã chiếm 20% ngân sách và gần như không thay đổi qua nhiều năm. Và nếu để đòi hỏi thêm ngân sách cho giáo dục cũng rất khó trong tình hình hiện nay.
Theo GS Sính, xã hội hóa giáo dục với sự tham gia của toàn dân là mấu chốt để giải quyết được các vướng mắc đó. Theo đó, tiền đầu tư cho các trường Đại học trọng điểm phải rất nhiều, không phải kiểu 500 USD như hiện nay mà bước đầu mức tối thiểu phải gấp 10 lần hoặc hơn nữa, việc này nhiều nước đã làm và đang chuẩn bị làm. Muốn có tiền cho Đại học công, tất nhiên phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên, GS Sính cho rằng, sau gần 20 năm phát triển mô hình giáo dục Đại học ngoài công lập, đây là lúc chúng ta cần nghiên cứu các chính sách về pháp lý, quản lý, tài chính… xem chúng có giúp được cho hệ thống này ổn định để phát triển, hay còn những bất hợp lý gây trì trệ, lãng phí.
GS Trần Phương dẫn chứng Nhật Bản là nước giàu nhưng có trên 80% sinh viên học đại học, cao đẳng học ở trường tư thục. Nhà nước chỉ lo cho một số ngành Đại học chứ không phải tất cả. Trong mấy năm nay, tất cả các nước châu Á đều học tập theo Nhật Bản, mở thêm trường tư thục. “Theo tôi, chúng ta không còn con đường nào khác, phải đi theo con đường xã hội hóa giáo dục. Phải như vậy thì mới mở rộng được giáo dục Đại học”.
Đại học công-tư phải phát triển cân đối
Theo GS Trần Phương, xã hội giáo dục thì từ những người lao động bình thường cũng có tri thức chứ không chỉ có các chuyên gia cao cấp. “Vậy mở rộng bằng cách nào? Chỉ bằng cách nhân dân đóng góp. Mỗi năm có 1,5 triệu thí sinh thi đại học, và các bậc phụ huynh sẵn sàng trả tiền cho con em mình đi học”.
|
GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội |
GS Trần Phương cho rằng, để thực hiện xã hội hóa giáo dục, Nhà nước sớm cân bằng học phí giữa loại hình đào tạo Đại học công và tư. Hiện nay, sinh viên trường Đại học công được Nhà nước gánh đỡ đến 70% học phí, chỉ phải nộp 3-4 triệu trong tổng số 10-12 triệu đồng học phí/năm. Trong khi đó, sinh viên trường tư không có sự bao cấp này, vẫn phải đóng mức phí 10-12 triệu/năm.
Một trong những điều kiện mà nhiều chuyên gia xem là quan trọng trong xã hội hóa giáo dục là không được đánh thuế các trường ngoài công lập. Theo nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Nhà nước khuyến khích tư thục phát triển. Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có định hướng phát triển 40-60% là trường ngoài công lập, còn 40% là trường công lập. Cả hai loại hình này đều thực hiện phương thức huy động xã hội cho nên không nên phân biệt công lập hay ngoài công lập.
PGS Nhĩ lấy ví dụ ở Singapore chỉ có 7 trường công lập, còn lại là hàng trăm trường ngoài công lập nhưng Nhà nước có chính sách hỗ trợ họ. Chẳng hạn trường ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ đất xây dựng cơ sở vật chất, cho vay vốn ưu đãi, không đánh thuế… “Vì tất cả những người đi học đều bị đánh thuế rồi, nếu ta đánh thuế trường nghĩa là lại một lần nữa đánh thuế lên học sinh, đó là đánh thuế lặp. Học sinh ngoài công lập cũng còn nhiều khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho họ. Tất cả những điều đó sẽ làm cho trường ngoài công lập phát triển và theo xu hướng của thế giới thì phải làm cho nó phát triển. Công lập và ngoài công lập như một đôi cánh của con chim, chúng ta phải phát triển cân đối thì nó mới cất cánh được, còn nếu lệch về bên nào nó cũng không bay được”.
GS Trần Phương cũng cho rằng, không nên đánh thuế các trường ngoài công lập. Đánh thuế các trường ngoài công lập là chính đánh thuế sinh viên, vì nguồn thu của trường ngoài công lập là học phí. Nếu bị đánh thuế, các trường sẽ nâng học phí lên, người “chịu trận” sẽ là sinh viên.
Cũng về vấn đề thuế đối với các trường Đại học ngoài công lập, GS Hoàng Xuân Sính cho biết, năm 2008 có một văn bản của Bộ Tài chính quy định trường Đại học ngoài công lập phải đóng 25% thuế trên trừ đi chi nếu không có 55m2/sinh viên, có nghĩa không có 55 ha đất cho 10.000 sinh viên. Văn bản này dựa trên văn bản của Bộ Xây dựng đã hủy từ năm 1998. Các Đại học ngoài công lập nào đã đóng thuế 10% trước năm 2013 thì bị truy thu thuế. “Điều này đang xảy ra, rõ ràng có sự chồng chéo về những văn bản pháp luật. Và buồn hơn là các trường đã làm đơn đi khắp nơi nhưng không có một sự hồi âm nào”- GS Sính trăn trở.
Theo bà, việc đưa ra những chính sách cản trở sự phát triển của hệ thống giáo dục Đại học ngoài công lập, thứ nhất là hệ thống này có nhiều nguy cơ sụp đổ. Thứ hai còn nguy hại hơn là hệ thống các trường công không có tiền để phát triển, lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục Đại học không bao giờ khởi động được. “Chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục với những văn bản phù hợp với thực tiễn và không chồng chéo. Có như vậy chúng ta mới có tiền để tăng ngân sách cho giáo dục để tăng lương cho toàn thể thầy cô giáo, không thể để giáo viên sống với đồng lương như bây giờ”./.