1. Đối tượng tham gia: Cá nhân hoặc nhóm không quá 05 người (viết tắt là “Tác giả”) là công dân có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/9/2020).
2. Cách thức tham gia
Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file được soạn thảo trên phần mềm Microsoft Word (.docx, .doc) tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com, gồm các tài liệu bắt buộc:
- Bản đăng ký theo mẫu của chương trình (tải về tại đây).
- Bản tóm tắt về công trình, sáng kiến (không quá một trang giấy A4).
- Bản toàn văn và các phụ lục, hình ảnh, video clip minh họa, bản vẽ kỹ thuật kèm theo (nếu có).
3. Thời gian tổ chức chương trình
- Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 05/6/2020 đến ngày 30/9/2020.
- Bình chọn hàng tháng tại website https://www.trithuctre.doanthanhnien.vn: từ ngày 05/6 - 30/10/2020.
- Chấm sơ khảo và công bố các công trình, sáng kiến vào chung khảo (tối đa 15 công trình, sáng kiến): trước ngày 06/11/2020 (Thứ 6).
- Chấm chung khảo và Lễ trao giải: dự kiến 14/11/2020 (Thứ 7).
4. Nội dung và yêu cầu về công trình, sáng kiến
Các công trình, sáng kiến tham gia chương trình thuộc 3 nhóm nội dung, cụ thể như sau:
- Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: Phạm vi nội dung công trình, sáng kiến có thể là từng môn học, bậc học, lứa tuổi hoặc nhiều môn học, bậc học, lứa tuổi; hoặc trong phương pháp giảng dạy; hoặc phương pháp học tập, tiếp thu kiến thức hiệu quả.
- Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu: Các công cụ mới - chưa từng có trên thị trường hoặc các sáng chế cải tiến, thể hiện tính ưu việt so với các công cụ hiện đang áp dụng trong môi trường giáo dục.
- Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục: Các công trình nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể, có giá trị thực tiễn cao.
5. Tiêu chí đánh giá, xét chọn trao giải thưởng
5.1. Tính mới
- Công trình, sáng kiến (phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu; tác phẩm khoa học) chưa từng được công bố bởi tác giả khác.
- Các sáng chế công cụ phải có tính mới, trình độ sáng tạo, chưa từng được tác giả khác nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế đối với sáng chế mới; giải pháp kỹ thuật trong sáng chế của tác giả phải khắc phục các hạn chế, thiếu sót của giải pháp gần giống nhất.
5.2. Tính khả thi
- Công trình, sáng kiến (phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu; tác phẩm khoa học) phải có khả năng áp dụng được trong thực tiễn, giải quyết được vấn đề cấp thiết đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại địa phương hoặc cả nước hiện nay.
- Sáng chế công cụ phải có khả năng sản xuất công nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học và thực hành, thí nghiệm của giáo viên, học sinh.
- Không vi phạm pháp luật của Việt Nam. Không có tranh chấp về bản quyền với các cá nhân, tổ chức khác.
6. Cơ cấu giải thưởng
Trên cơ sở đề xuất của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho tối đa 15 công trình, sáng kiến được vào vòng chung kết, trong đó:
- Giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục” được trao tặng cho tối đa 05 công trình, sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu. Phần thưởng gồm: Kỷ niệm chương “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiền thưởng: 100.000.000đ/01 công trình, sáng kiến.
- 10 công trình còn lại được vào Vòng Chung kết sẽ được trao Giải thưởng “Cống hiến”. Phần thưởng gồm: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiền thưởng: 10.000.000đ/01 công trình, sáng kiến.
- Dành cho tác giả: Hồ sơ được bình chọn cao nhất mỗi tháng được lựa chọn vào vòng sơ khảo đồng thời nhận được tiền thưởng trị giá 2.000.000đ.