Chương trình nhằm hướng tới ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, do Ban nữ công Đoàn trường tổ chức với chủ đề về tình bạn, tình yêu, các giá trị sống và mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội hiện nay. Đây cũng là dịp Đoàn trường tạo cơ hội để các sinh viên của trường được giao lưu với các nhân vật lịch sử - chuyên gia gần gũi với giới trẻ, giúp các bạn có cơ hội được giải đáp những thắc mắc trong tình yêu của tuổi trẻ, trong đó có những câu chuyện “thầm kín” của tuổi 18 – 20…
Với 2 vị khách mời hài hước, tâm lí, vô cùng thân quen là Bs. Hoàng Thúy Hải – Chuyên gia tư vấn Chương trình "Cửa sổ tình yêu" và Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (Bác sĩ hoa súng trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần"). Chương trình đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng, cởi mở.
Các vị khách mời tham gia giao lưu
Bằng sự dí dỏm, hài hước, bác sĩ hoa súng - Hoàng Nhuận Cầm đã bắt đầu buổi giao lưu bằng những câu thơ vui nhộn mà tình cảm:
“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi.
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...
Sự hài hước, hóm hỉnh ấy đã ngay lập tức chiếm được tình cảm của các bạn trẻ có mặt trong hội trường bằng những tràng pháo tay ròn rã…Tiếp đó, như được mở lòng, các bạn trẻ đã gửi đến khách mời những câu hỏi băn khoăn trăn trở về tình yêu, như “Em đang yêu một thầy giảng viên hơn em 14 tuổi, gia đình em đã và đang phản đối rất gay gắt. Em rất buồn khi phải đứng giữa bên tình và bên hiếu, đặc biệt anh ấy đã có gia đình nhưng ly hôn được 2 năm rồi, mong cô chú cho cháu lời khuyên”. Bằng những kinh nghiệm của bậc cha mẹ, cô chú cũng như góc độ chuyên gia, các vị khách mời đã giải đáp những câu hỏi của các bạn sinh viên tường tận, thấu đáo .
Bên cạnh những câu hỏi, những câu chuyện li kì, hấp dẫn “Như phim Hàn Quốc, với cái kết ở tập 31: chàng trai kia đã có người mới theo sự sắp đặt của gia đình nhưng vẫn thương nhớ bạn gái cũ, rồi lại làm mối người em họ cho cô bé ấy…chắc chắn bộ phim sẽ kéo dài đến tập 61” – theo lời chia sẻ vui của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, thì cũng có những khoảnh khắc tất cả hội trường lắng xuống, có những tiếng nức nở nghẹn ngào khi nhà thơ chia sẻ về thơ kháng chiến chống Mỹ. Trong đó ông là một trong những đồng đội chiến đầu cùng đơn vị với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Nhà thơ nhớ lại những kỷ niệm, những giây phút cuối bên cạnh đồng đội sắp hy sinh với giọng kể nghẹn ngào đầy xúc động để qua đó nhắc lại những giá trị về sự hy sinh mất mát của biết bao người con của tổ quốc để có được Hòa bình – Độc lập – Tự do mà các bạn trẻ nói chung và các bạn sinh viên nói riêng đang được tận hưởng ngày hôm nay.
Với mạch cảm xúc từ vui nhộn, bay bổng đến trầm lắng, từ mơ mộng đến thực tại, từ quá khứ đến hiện tại “Câu chuyện mùa thu” cứ tiếp mạch với những câu hỏi từ ngắn đến dài, từ đơn giản đến phức tạp…và được kết thúc bằng những vần thơ mượt mà trữ tình, sâu lắng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm”:
Và bông trang nở thật điềm nhiên
Lũ ve lại học bài trong khóm phượng
Chong chóng lượn trời ơi chong chóng lượn
Giấy trắng và áo trắng các em tôi
Giấy trắng và áo trắng các em ơi
Hôm nay là hai hàng sầu đông không lá khóc
Nếu là đứa trẻ mười hai đi học
Cho tôi ngồi hát giữa cỏ cây
Cho tôi ngồi hát với em đây
Thương cho hết những ngày em áo rách
Phượng hồng ngỡ ngủ quên trong sách
Những cánh hè nay hát giữa tay em…
……….
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
Một số hình ảnh các bạn sinh viên xin chữ ký của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và chụp ảnh kỷ niệm cùng nhà thơ: