1. Dễ trở thành cú đêm
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một "tác dụng phụ” của trí thông minh: người có chỉ số IQ cao thường có xu hướng thức đêm nhiều hơn và dậy sớm hơn bình thường. Họ lý giải rằng, đây là biểu hiện của sự tiến hóa tất yếu. Trong giới động vật, những con vật thông minh hơn so với đồng loại bao giờ cũng có thói quen khác lạ. Ở người, đó là việc ngủ muộn, dậy sớm.
Vấn đề thực sự nằm ở việc thói quen này không tốt một chút nào đối với con người. Về ban đêm, bạn có thể làm việc tập trung hơn, hiệu quả hơn song theo một số nghiên cứu, thói quen này làm tăng nguy cơ bệnh tật. Điển hình trong số đó là bệnh tim và chứng xơ cứng động mạch.
Thêm vào đó, thức quá khuya gây ra chứng rối loạn cảm xúc, khiến người ta dễ rơi vào trầm cảm hoặc tình trạng cáu gắt, bực bội sau khi thức dậy quá sớm. Những "cú đêm” nếu ăn khuya nhiều thì càng không tốt cho sức khỏe, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhịp sinh lý của cơ thể.
2. Khó di truyền cho thế hệ sau
Nghiên cứu xã hội học vừa qua đã chỉ ra rằng, phụ nữ thông minh có xu hướng sinh đẻ muộn và sinh ít con hơn nhiều so với những phụ nữ bình thường. Bên cạnh đó, các quốc gia có chỉ số thông minh cao thì tỉ lệ tăng dân số cũng rất thấp. Những người đặc biệt thông minh lại có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân nhiều hơn phần còn lại của xã hội.
Lý giải về điều này, Cục Điều tra Dân số Mỹ cho hay, hiện tượng này là điều khó tránh khỏi. Những người thông minh thường nghĩ đến công việc nhiều hơn là việc "sinh con đẻ cái".
Họ cũng hiểu rõ hơn các biện pháp tránh thai so với những người kém thông minh khác. Đây được coi là một đặc điểm tâm lý điển hình của người có chỉ số IQ cao.
3. Nói dối nhiều và "tài tình" hơn
Con người ai cũng nói dối. Càng lớn, xu hướng nói dối càng tăng lên, 25% trẻ em 2 tuổi nói dối, con số này tăng lên đáng kinh ngạc trong các độ tuổi lớn hơn: 50% với trẻ 3 tuổi và ở trẻ 4 tuổi, con số này là 90%.
Nguyên nhân là bởi trí thông minh quyết định "tài năng bịp bợm” của mỗi cá nhân. Trẻ em lớn lên, đồng nghĩa trí thông minh phát triển nên tỉ lệ nói dối cũng vì thế mà tăng lên. Hành vi nói dối giống như việc não giải một bài toán khó, người IQ càng cao thì càng giải nhanh, đúng, đến nỗi người khác không phân biệt nổi là họ đang nói thật hay đùa.
Chính hiện tượng này khiến người thông minh tin tưởng rằng, mình có khả năng nói dối tốt. Điều này đôi khi sẽ dẫn tới việc lạm dụng chúng quá nhiều, gây hậu quả khôn lường, chẳng hạn như lừa đảo, tội phạm.
4. Dễ tin vào những điều nhảm nhí
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, người thông minh nói dối giỏi hơn nhưng lại dễ tin vào những điều vớ vẩn. Nhưng đó là sự thật. Những nghiên cứu mới đây ở Mỹ cho biết, những người dễ bị lừa đảo thường được học hành tốt hơn hay được đánh giá là thông minh hơn những người khác. Ngoài ra, 94% các giáo sư đại học nghĩ rằng mình giỏi hơn những đồng nghiệp.
Câu trả lời của việc này là người thông minh nhận thức về bản thân rất tốt nhưng đôi khi tốt quá mức. Họ biết mình thông minh và đôi khi, họ tự phụ vì điều đó. Họ cao ngạo, quá tin tưởng vào bản thân và cho rằng, cả thế giới không ai bằng mình. Đó là lý do vì sao họ dễ bị nhiều tên tội phạm thông minh hơn lừa đảo cũng như hay tin vào những điều nhảm nhí mà bản thân cho là đúng.
5. Dễ nghiện
Thông tin này chắc chắn sẽ khiến không ít người giật mình, song đó là sự thật 100%. Các nhà khoa học Anh đã kết luận rằng, những người IQ cao có xu hướng tìm đến rượu, chất kích thích và gây nghiện nhiều hơn những người bình thường. Theo đó, những người có IQ trên 125 thường xuyên gặp phải tình trạng say rượu hoặc nghiện chất kích thích nào đó.
Sở dĩ có nhược điểm trên là bởi người càng thông minh thì trí tò mò càng cao. Họ tò mò, phát hiện ra những điều tuyệt vời cho xã hội, mong muốn được cả thế giới tôn vinh.
Nhưng ngược lại, ma túy, rượu, cần sa, thuốc lá… cũng kích thích trí tò mò, thử khám phá không kém những điều bí ẩn kia. Và khi đó, họ gặp phải nguy cơ rất cao bị nghiện các chất này.