Các tầng lớp nhân dân đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ với thí sinh, người nhà thí sinh trong những ngày hè nóng nực với lòng nhân ái, tình yêu thương đậm tính nhân văn với những việc làm rất cảm động.
Bộ truởng Phạm Vũ Luận đã có lời cảm ơn chân thành tới nhân dân cả nước đã ủng hộ, giúp đỡ ngành giáo dục tổ chức thành công kỳ thi.
Các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để đưa tin, phản ánh về tình hình chuẩn bị trước, trong và sau kì thi. Chưa bao giờ báo chí phản ánh đậm đặc về kì thi như trong một năm vừa qua. Điều này chứng tỏ không khí dân chủ, cởi mở và sự quan tâm lo lắng của xã hội đối với giáo dục.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các vụ chức năng của Bộ, các Sở GD-ĐT, các trường ĐH và các trường THPT đã làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao thực hiện nghiêm túc Quy chế thi THPT quốc gia đảm bảo cho kỳ thi thành công.
Về phương diện chính trị xã hội, có thể nói kì thi đã thành công trên cả sự mong đợi. Tuy nhiên xét về mặt cơ chế quản lý giáo dục thì kỳ thi này còn rất nhiều bất cập thể hiện ở các điểm sau:
1. Việc sát nhập 2 kì thi làm 1 là một ý tưởng sai lầm vì 2 kì thi với 2 mục đích khác nhau:
- Thi tốt nghiệp THPT là đánh giá, ghi nhận kết quả 12 năm học, đặc biệt các năm học ở bậc THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông: thi đầu ra của THPT.
- Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là thi đầu vào để chọn những học sinh đủ điều kiện vào học ở bậc cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức. Việc sát nhập là khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên”.
2. Việc huy động lực lượng tham gia tổ chức thi không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lí và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.
- Hệ thống các Sở Giáo dục Đào tạo và các trường THPT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục phổ thông thì không được giao quyền chủ trì (chẳng khác gì cây trồng đến ngày hái quả thì giao cho người khác hái!). Mặc dù có cụm địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì dành cho học sinh không có nguyện vọng thi đại học nhưng chủ yếu học sinh thi ở cụm đại học.
- Các trường đại học phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng của trường đại học.
3. Thời gian thi quá dài và địa bàn thi quá rộng do việc thành lập các cụm thi dẫn tới tình hình học sinh một số tỉnh phải tập trung về một địa phương trong thời gian 1 tuần lễ (4 ngày thi + 1 ngày tập trung + 1 ngày về nhà) đã gây ra sự phức tạp xã hội không cần thiết, làm xáo trộn cuộc sống của triệu gia đình, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội . Một học sinh đi thi cả gia đình phải lo lắng, ít nhất có một người đi theo để giúp đỡ, quản lý đã gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, sức lực, tiền của trên diện rộng. Tình trạng “người người đi thi, nhà nhà đi thi”, cả xã hội lo lắng cho thi cử, gây tâm lí bất an trong xã hội.
4. Cấu trúc đề thi không hợp lý dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào ĐH, CĐ không chính xác.
- Bộ quy định: 60 % câu hỏi mức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp (6 điểm), 40% câu hỏi mức nâng cao phục vụ xét ĐH, CĐ (4 điểm). Với thang 10 điểm/ 1 đề thi.
- Xét tốt nghiệp: học sinh làm được 6 điểm là tương ứng với 10 điểm như kỳ thi những năm trước nhưng khi xét tốt nghiệp vẫn sử dụng công thức tính của thang 10 điểm nên kết quả thi không phản ánh chính xác kết quả tốt nghiệp của học sinh.
- Xét ĐH,CĐ: mức điểm sàn 5 điểm là ngang mức điểm xét tốt nghiệp. Như vậy điểm vào ĐH ngang với điểm xét tốt nghiệp.
Trong thang 10 điểm thì có tới 6 điểm là dành cho xét tốt nghiệp, 4 điểm là thi ĐH dẫn tới chất lượng đầu vào ĐH giảm đi 60%.
Ví dụ: 1 học sinh đạt 10 điểm thì điểm xét ĐH thực chất là: 6 điểm PT+ 4 điểm ĐH. Như vậy chỉ có 4 điểm làm cơ sở để xét ĐH. Do đó điểm xét vào ĐH thực chất chỉ có 4 điểm. Điều đó có nghĩa là chất lượng vào ĐH giảm đi 60%. (Đây là ví dụ mang tính tượng trưng)
Tình hình này dẫn đến chất lượng đầu vào ĐH năm nay giảm sút.
5. Việc đưa môn thi tự chọn vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh.
Từ 2014 đã bắt đầu có môn tự chọn trong thi tốt nghiệp THPT, nên học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp dẫn tới tình trạng học lệch trong học sinh.
Tóm lại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã không thành công ở các mặt sau nhìn từ góc độ quản lý giáo dục:
• Mục tiêu giảm căng thẳng xã hội, giảm áp lực cho học sinh đã không giảm được mà căng thẳng, áp lực còn tăng thêm.
• Mục tiêu giảm tốn kém thì lại tốn kém thêm (thời gian, tiền của xã hội).
• Mục tiêu tác động đến thay đổi phương pháp dạy, học thì lại dẫn tới tình trạng học lệch quá sớm của học sinh.
• Kết quả thi không đạt được yêu cầu làm cơ sở chính xác cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã bộc lộ đậm nét sự lạc hậu của cơ chế quản lý giáo dục ở nước ta: cấp trên phải làm thay việc của cấp dưới, cấp dưới ỷ lại trông chờ cấp trên; chức năng nhiệm vụ của từng cấp quản lý không rõ ràng, minh bạch, chồng chéo lên nhau và đặc biệt là tính hiệu quả rất thấp, không phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Đây phải được xem là trở ngại lớn đối với sự phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay.
II. Cần cải tiến, đổi mới kỳ thi THPT như thế nào?
Cần lựa chọn phương án phù hợp với thực tế, khả thi, hiệu qủa, đúng định hướng của Nghị quyết 29 BCH TW Đảng khóa XI và Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, chúng tôi xin đề xuất phương án thi năm 2016 là: Tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành 2 việc độc lập với nhau gồm các nội dung sau:
1. Thi Tốt nghiệp THPT trả về cho các địa phương tổ chức theo nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục theo Luật Giáo dục và các văn bản pháp quy khác.
• Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT (huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức Hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp).
• Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT gồm các việc:
+ Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp mới.
+ Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quy chế.
+ Bộ tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước, từ năm 2021 (có thể sớm hơn) giao việc ra đề thi về cho các Sở GD-ĐT tỉnh thành phố, dựa trên bộ Ngân hàng đề thi quốc gia.
2. Tuyển sinh ĐH,CĐ trả về cho các trường ĐH,CĐ theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Giáo dục đại học.
• Trường ĐH,CĐ tự chủ tuyển sinh: xác định cách thức tuyển sinh (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tự tổ chức thi…), thời gian tuyển sinh (có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để tránh gây căng thẳng cho xã hội).
• Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT gồm các việc:
+ Ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
+ Thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế.
+ Duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và danh mục ngành đào tạo để đảm bảo chất lượng tuyển sinh của các trường. Về lâu dài sau năm 2020 giao quyền tự chủ hoàn toàn bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức ngành đào tạo về cho các trường ĐH.
Bộ không cần thiết phải xác định điểm sàn như hiện nay mà đây là việc mà các trường ĐH, CĐ phải tự làm vì chất lượng đào tạo của chính mình.
Phương án này khắc phục cơ bản các nhược điểm của phương án thi THPT quốc gia năm 2015 với những thay đổi cơ bản, yêu cầu cao hơn, hợp lý hơn.
Phương án thi năm 2015: dễ cho Bộ (vì làm theo quy chế đã có), khó cho dân, nhưng về thực chất là khó cho Bộ, khó cho dân (vì Bộ phải làm quá nhiểu việc của cơ sở).
Phương án đề xuất thi năm 2016: dễ cho Bộ, dễ cho dân. Vì hợp với lẽ tự nhiên, phù hợp với Văn kiện Đại hội XII về GD-ĐT là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GD, phân cấp quản lý giáo dục; phù hợp với xu thế chung của thế giới về quản trị ở cấp quốc gia và ở cấp cơ sở. Bộ bỏ bớt việc sự vụ, tập trung việc quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy sự phát triển giáo dục mới thông thoáng và đúng quy luật: “đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, không chen lấn xô đẩy nhau”, do đó xã hội mới phát triển ổn định, nề nếp, kỷ cương.
Để thực hiện phương án đề xuất đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, tinh thần cầu thị và sự dũng cảm để tránh vướng phải những khó khăn đã được dự báo từ trước, việc lựa chọn phương án nào tùy thuộc vào bản lĩnh của các nhà quản lý.
III. Kiến nghị chung.
1. Bộ GD&ĐT nên xây dựng Đề án về đổi mới thi để lựa chọn phương án thi khoa học, thực tế, hiệu quả, phù hợp với Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các văn bản pháp luật khác, có lộ trình thực hiện hợp lý.
2. Xây dựng cơ chế phản biện và giám sát xã hội về các chính sách đối với giáo dục, đào tạo. Hội Khuyến học Việt Nam là cơ quan chủ trì, tập hợp các Hội chuyên ngành về giáo dục, các nhà khoa học, nhà giáo dục có tâm huyết am hiểu lý luận và thực tiễn giáo dục để góp ý, phản biện các chính sách về giáo dục trước khi thực hiện, có cơ chế trả lời của cơ quan soạn thảo chính sách.
Chỉ còn 6 tháng nữa là tới thời điểm phải tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, nên việc cấp bách hiện nay là xác định rõ phương án phù hợp cho kỳ thi năm 2016. Đây là việc cần làm ngay để các cơ quan chức năng trong hệ thống giáo dục chủ động triển khai công việc mới kịp tiến độ, đồng thời phụ huynh, học sinh và các nhà trường có sự chuẩn bị về tâm lý và chuyên môn. Hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ có quyết định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mong đợi của hàng triệu học sinh cả nước. Đây là việc cần làm ngay trước thềm Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục cần được xem là khâu đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là kỳ thi đầu tiên sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy phải được tổ chức theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt của Đại hội XII, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Tóm tắt:
Bài viêt phân tích mặt thành công và chưa thành công của Kỳ thi THPT quốc gia 2015 và đề xuất phương án mới cho Kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo hướng phân cấp quản lý giáo dục và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục: Sở GD&ĐT phụ trách tổ chức thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh; Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước (ban hành Quy chế thi, tuyển sinh và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện).
Innovation of 2016 National High School Examination
From the viewpoint on the mechanism of education management
Analyzing successful and unsuccessfull sides of 2015 National High Sschool Examination and suggesting a plan to innovate 2016 one according to decentralizatinon of education management, having full autonomy and taking self – responsibility for educational institutions: education and training departments are in charge of holding the National High School Examination; universities and colleges have autonomy in enrollment; Ministry of Education and Training has the function of state management, such as promulgating regulations on enrollment, checking up and inspecting the implementation.
TS. Võ Thế Quân
Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô