Kỉ niệm 45 năm ngày thành lập khoa Tâm lý - Giáo dục học, càng nhìn lại giai đoạn tiền thân chuẩn bị cho khoa Tâm lý - Giáo dục ra đời cũng như những chặng đường phát triển của khoa bằng tấm lòng và trí tuệ của nhiều thế hệ thầy cô giáo và sinh viên, chúng ta càng tự hào vững bước đi lên
Tiền thân của khoa, cũng như sự hình thành và phát triển của khoa gắn liền với sự phát triển của ngành sư phạm và khoa học giáo dục. Chính chúng ta đã tạo nên nhu cầu và điều kiện dẫn đến sự thành lập khoa Tâm lý - Giáo dục.
Quán triệt sâu sắc chiến lược vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là ngành sư phạm, cỗ máy cái phải đi trước một bước. Vì vậy, từ năm 1950 đã xây dựng trường trung cấp sư phạm Liên khu IV, đặc biệt sau chiến thắng Biên giới 1951, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, chúng ta đã xây dựng Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc. Ở đó, bên cạnh trường phổ thông còn có trường sư phạm với các bậc học khác nhau. Một vấn đề đặt ra, đối với trường sư phạm phải có bộ môn sư phạm. Trước yêu cầu đó, Ban Giám đốc Khu học xá Trung ương đã cử các thầy Nguyễn Hữu Tảo, Nguyễn Lân và cô Lê Thị Nhu, vốn là những thầy, cô trước kia đã học ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương (thời thuộc Pháp), lại có bề dày kinh nghiệm sư phạm, lập thành một nhóm nghiên cứu xây dựng nội dung và tiến hành giảng dạy bộ môn sư phạm cho các khối lớp sư phạm của Khu học xá, sau đó bổ sung thầy Hà Thế Ngữ. Vào khoảng năm 1952, bằng kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình giảng dạy và vốn hiểu biết khai thác từ cuốn sách "Giáo dục học thực hành" (Pédagogie vécue), cô Lê Thị Nhu đã biên soạn cuốn Giáo dục học đầu tiên được ấn hành ở Khu học xá Trung ương. Lúc đó, nội dung giảng dạy được tiếp xúc với cuốn "Giáo dục học" của Cairốp. Đây là một cuốn sách được xây dựng với tư cách là một chuyên ngành khoa học và đã dịch sang tiếng Trung Quốc. Thầy Đặng Đức Siêu (vốn học Trung văn, nay là giáo sư về Hán Nôm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội) được phân công dịch ra tiếng Việt. Sau này, đội ngũ cán bộ được bổ sung thêm các thầy Nguyễn Đức Minh, Phạm Cốc.
Hoà bình lập lại, cuối năm 1954, toàn bộ sinh viên khối sư phạm cao cấp ở Khu học xá về Hà Nội để hoà nhập vào khối sinh viên Trường Đại học Hà Nội trong nội thành lúc bấy giờ. Vào khoảng năm 1956, một nhóm nghiên cứu Tâm lý học được hình thành trong tổ Triết thuộc khoa Lịch sử gồm có thầy Cao Xuân Huy, cô Đỗ Thị Xuân và sau này bổ sung thêm thầy Phạm Hoàng Gia. Năm 1956, thầy Nguyễn Lân từ Khu học xá về nước, tiếp tục tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội và được Ban giám đốc cử phụ trách nhóm Giáo dục học với một thư kí và 2 phiên dịch Trung văn là các ông Chu Quý, Thái Hoàng. Với tư cách là cán bộ giảng dạy, một mình thầy Nguyễn Lân đã tiến hành giảng dạy, cũng như tổ chức thực tập sư phạm cho sinh viên các khoa lúc bấy giờ. Cũng vào thời gian đó, Bộ Giáo dục có quyết định chia Trường Đại học Hà Nội thành hai trường riêng là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do giáo sư Ngụy Như Kon Tum làm giám đốc và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do giáo sư Phạm Huy Thông làm giám đốc.
Ngày 17-4-1958, theo quyết định của giám đốc hai trường, sát nhập tổ Tâm lý học thuộc tổ Triết và nhóm Giáo dục học thành tổ Giáo dục - Tâm lý học (tên gọi lúc bấy giờ) và thầy Nguyễn Lân được cử làm Chủ nhiệm bộ môn. Theo văn bản, đây là mốc đầu tiên tổ Giáo dục - Tâm lý học được định hình.
Năm học 1958-1959, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển về Cầu Giấy trên cơ sở vật chất của trường Trung cấp sư phạm trung ương. Lúc đó thầy Nguyễn Hữu Tảo là Hiệu trưởng đã cùng với tổ Tâm lý - Giáo dục học của trường Trung cấp sư phạm Trung ương gồm các thầy Nguyễn Đức Minh, Phạm Cốc và Vũ Văn Thái sát nhập với tổ Giáo dục - Tâm lý học thành một tổ mới: tổ Tâm lý - Giáo dục học do thầy Nguyễn Hữu Tảo làm tổ trưởng và thầy Nguyễn Lân làm tổ phó. Thầy Hà Thế Ngữ được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh và cô Lê Thị Nhu chuyển công tác khác.
Do yêu cầu bồi dưỡng cán bộ giảng dạy Tâm lý học và Giáo dục học, theo đề nghị của Bộ Giáo dục nước ta, Bộ Giáo dục Liên Xô lúc bấy giờ đã cử hai chuyên gia P. M. Xamôucôv PGS.PTS về giáo dục học và Praxetxki PGS. TS về tâm lý học sang giúp đỡ tổ bồi dưỡng cán bộ vào cuối năm 1959. Thời gian đó có thêm 3 phiên dịch tiếng Nga và 2 phiên dịch tiếng Trung Quốc. Phiên dịch tiếng Trung là ông Chu Quý và ông Tạ Quý Ngân, phiên dịch tiếng Nga là ông Nguyễn Đức Uy, Lê Quang Tuyến và Nguyễn Minh Hoà.
Để phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy Tâm lí học và Giáo dục học, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, từ cuối năm học 1958 - 1959, hàng năm nhà trường đã giữ lại số sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu là cán bộ được cử đi học bổ sung vào đội ngũ cán bộ giảng dạy của tổ. Năm học 1958 - 1959: 6 người, gồm: Nguyễn Duy Minh, Phạm Ngọc Đương (khoa Lịch sử chuyển sang), Nguyễn Đức Ảnh (tức Nguyễn Quốc Bảo), Hồ Quảng Hành, Bùi Ngọc Hồ (khoa Ngữ văn chuyển sang), Trịnh Nghĩa Uông (khoa Địa lý chuyển sang). Cùng dự lớp bồi dưỡng với các cán bộ này có thầy Lê Khánh Bằng (giáo viên trường sư phạm miền núi, đến năm 1962, trường sư phạm này giải thể, thầy Bằng chuyển về tổ Tâm lý - Giáo dục). Năm học 1959 - 1960, có 7 người, gồm: Đặng Vũ Hoạt, Nguyễn Ngọc Bảo, Trịnh Tụ, Vũ Lân, Đặng Xuân Hoài, trương Anh Tuấn, Nguyễn Văn Khánh. Năm học 1960 - 1961 có 7 người, gồm: Lê Văn Hồng, Võ Quang Phúc, Nguyễn Thị Thu Cúc, Hoàng Hữu Xứng, Bùi Đình Mỹ, Phùng Đức hải và thầy Từ Đức Văn. Năm học 1961 - 1962 có 6 người, gồm: Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Hân, Triệu Tất Kính, Nguyễn Hữu Loan, Trần Trọng Thuỷ, Phạm Minh Hạc, trong số này có thầy Phạm Minh Hạc tốt nghiệp đại học tại Liên Xô (cũ) chuyên ngành Tâm lý học. Đây là lần đầu tiên sự bổ sung lực lượng cán bộ cho bộ môn có một người được đào tạo thuộc chuyên ngành Tâm lí học. Năm 1963, thầy Hà Thế Ngữ, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Giáo dục học, về tổ trong một thời gian ngắn.
Trong thời gian này, tất cả mọi cán bộ giảng dạy lấy tự bồi dưỡng làm chính và tranh thủ giúp đỡ của chuyên gia hoặc sự giúp đỡ của tập thể. Ba hoạt động cơ bản của người cán bộ giảng dạy được đồng thời tiến hành: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học.
Lúc này, ngoài giảng dạy, các cán bộ của tổ đã bắt đầu tiến hành các thực nghiệm khoa học nghiêm túc và dài hơi. Kết quả được hiện thực hoá bằng những tiểu luận khoa học và được bảo vệ trước hội đồng khoa học.
Thời kì này, công tác phổ biến khoa học rất được quan tâm do yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: từ nói chuyện với học sinh và giáo viên các trường phổ thông, các tầng lớp nhân dân trong các cộng đồng dân cư khác nhau (xí nghiệp, nông thôn, khối phố) cho đến các buổi thuyết trình những vấn đề lí luận và thực tiễn của tâm lý học, giáo dục học cho cán bộ giảng dạy các trường đại học, cũng như các cơ quan giáo dục trong lực lượng vũ trang và công an.
Bên cạnh đó, tổ còn thực hiện chức năng tham mưu nghiệp vụ cho trường như xây dựng quy chế thực tập sư phạm, cử cán bộ tham gia chỉ đạo các đoàn thực tập sư phạm, đóng góp ý kiến xây dựng nội dung và kế hoạch giáo dục nghiệp vụ cho sinh viên, xây dựng môi trường sư phạm chính trên mảnh đất sư phạm. Những đóng góp trên được Ban giám hiệu tin tưởng, đánh giá cao.
Cũng ở thời kì này, toàn thể cán bộ trong tổ đã nhận thức thực tế phổ thông, trường sư phạm và thực tiễn xã hội như là nguồn bổ sung cho sức sống của tổ. Việc xuống các trường phổ thông đã trở thành chế độ công tác của cán bộ giảng dạy. Để gắn trường Đại học sư phạm với nhà trường phổ thông, theo đề nghị của tổ, trường Đại học sư phạm đã kí kết với Sở Giáo dục Hà Nội xây dựng trường cấp III Yên Hoà thành trường thực hành và cử thầy Hoàng Hữu Xứng làm hiệu phó của trường để dễ dàng tổ chức cho cán bộ và sinh viên các khoa trong trường thực hiện các chương trình thực hành sư phạm và thâm nhập thực tế phổ thông.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ giảng dạy của các trường trung cấp sư phạm các tỉnh, cán bộ nghiên cứu của các vụ, viện của Bộ Giáo dục, các sở, các ty giáo dục lúc bấy giờ, năm học 1958 - 1959, Bộ Giáo dục và trường Đại học sư phạm Hà Nội đã giao cho tổ tổ chức các lớp giáo dục học mà học viên là những giáo viên lâu năm ở các cơ sở cử lên. Thời gian đào tạo cấp tốc 1 năm. Các lớp như vậy được tổ chức hai khoá liền. Sau đó mở một lớp như vậy với thời hạn 2 năm.
Nhằm tạo nguồn bổ sung cho cán bộ giảng dạy của tổ, theo đề nghị của Ban lãnh đạo tổ được Hiệu trưởng, giáo sư Phạm Huy Thông đồng ý, từ năm học 1963 - 1965, tổ đã mở các lớp Tâm lý - Giáo dục học (lúc đó thường gọi là lớp chuyên nghiệp) mà người học là những sinh viên đã tốt nghiệp các khoa không chuyên Tâm lí học - Giáo dục học (như Toán, Lý, Văn,…) và thời gian học tập là 2 năm. Điển hình như lớp chuyên nghiệp khoá đầu lúc đó là các đồng chí Phạm Tất Dong (nay là Giáo sư, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương), đồng chí Lê Khanh (nay là Phó giáo sư, từng là Chủ nhiệm khoa Tâm lý học trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)… Mô hình đào tạo như vậy được tiếp tục khoá thứ hai. Sinh viên ở các lớp đó, ngày nay nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ giảng dạy hay nghiên cứu có trình độ cao, đầu đàn. Nhiều người đa có trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và giáo sư,… Qua các sản phẩm đào tạo tuy là một tổ bộ môn, nhưng thực chất, tổ đã thực hiện chức năng như một khoa.
Kết thúc khoá bồi dưỡng thứ nhất, một số học viên đã được giữ lại làm cán bộ: Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Đoan, Lê Khanh, Phạm Ngọc Quỳnh. Cũng năm đó, một số học viên đã tốt nghiệp các khoa cơ bản của trường được chuyển về tổ, vừa công tác, vừa tự bồi dưỡng, dưới sự giúp đỡ của các tổ viên có kinh nghiệm: Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Đình Chỉnh, Võ Văn Tám, Lê Hai, Vũ Nguyên Hùng,… Ngoài ra, năm 1963, thầy Lê Hai từ miền Trung được chuyển về tổ công tác.
Năm học 1963 - 1964, theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, một số thầy cô trong tổ đi vào miền Nam (đi B) công tác: Vũ Lân, Nguyễn Đức Ảnh, Hồ Quảng Hành, Nguyễn Văn Hân. Trong số các thầy cô đi B lúc đó, thầy Vũ Lân đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ.
Từ lúc manh nha (1951) đến thời kì định hình, thời kì tiền thân của khoa Tâm lý - Giáo dục học cũng đã có nhiều công trình biên soạn và dịch thuật mà tác giả là cá nhân hoặc tập thể. Có thể điểm một số tác phẩm sau đây:
Ngoài bản dịch cuốn Giáo dục học của Cairốp được Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1960 theo bản dịch của thầy Chu Quý và thầy Nguyễn Hữu Tảo hiệu đính, tiếp đó là bản dịch Nguyên lí đạo đức cộng sản do thầy Nguyễn Hữu Tảo và Chu Quý dịch từ bản dịch tiếng Trung Quốc do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành. Đến năm 1962, hai tập Sơ thảo Giáo dục học do tập thể tổ Giáo dục học biên soạn, thầy Nguyễn Hữu Tảo chủ biên được ra đời. Cũng những năm 1960, 1961, cuốn Tâm lý học do Đức Minh, Phạm Cốc, Đỗ Thị Xuân biên soạn, có tham khảo từ bản dịch tiếng Trung Quốc của cuốn Tâm lý học, tác giả là A. A. Xmiếcnốp, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành đã phục vụ đông đảo cán bộ và sinh viên các trường sư phạm. Ngoài các tài liệu dịch và những công trình tập thể, từ năm 1961 đến 1962, thầy Nguyễn Lân đã cho ra đời một số công trình, như cuốn Lịch sử giáo dục thế giới (Nxb GD, Hà Nội, 1958), Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960), Giảng dạy trên lớp (Nxb GD, Hà Nội, 1961), Công tác chủ nhiệm lớp (Nxb GD, Hà Nội, 1962).
Bên cạnh đó, tập Đề cương bài giảng Tâm lý học do tập thể cán bộ Tâm lý học biên soạn và ấn hành vào những năm 1962, 1963 in bằng rônêô.
Như vậy chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, từ năm học 1951 - 1952 đến năm học 1965, tổ Tâm lý - Giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trưởng thành nhanh chóng cả về lực lượng cán bộ và trình độ chuyên môn. Từ chỗ chỉ có 3 thầy cô giáo khi mới thành lập, đến năm học 1965 đã có gần 30 thầy cô giáo. Tổ đã đảm nhiệm chức năng của một khoa nghiệp vụ trong trường Đại học Sư phạm: đào tạo cán bộ Tâm lý - Giáo dục học đáp ứng cho các trường sư phạm khác và các cơ quan nghiên cứu của ngành; giảng dạy môn Tâm lý học, Giáo dục học và hướng dẫn thực hành nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các khoa trong trường; nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình, tài liệu có liên quan đến khoa học giáo dục Việt Nam.
Quá trình phát triển và thành tựu thời kì tiền thân của khoa như một viên than hồng làm rực cháy một bếp lò - khoa Tâm lý - Giáo dục học của chúng ta ngày nay.
Đúng như một nhà hiền triết đã nói: "Cây cao bóng cả là do mầm non bé nhỏ tạo nên, lâu đài chín tầng là do từng viên gạch ghép lại, chuyến đi ngàn dặm là bước chân đầu tiên". Người đặt viên gạch đầu tiên, bước chân đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Tảo. Người thầy mẫu mực và đáng kính trọng của mọi thế hệ thầy và trò khoa Tâm lý - Giáo dục học.
TLGD (Theo TLGD)