Tôi tự hào vì những năm tháng tuổi trẻ của mình, được là học sinh sinh viên, lại được khoác lên mình màu áo xanh tự hào ấy. Khi tôi đang viết những dòng này, đó là lúc tôi đang suy nghĩ về thời gian hoạt động Đoàn của mình khi là sinh viên của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Trong gần bốn năm tham gia hoạt động Đoàn và Hội tại Trường, tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm không chỉ trong việc hoạt động, mà cả những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu. Với tôi, đó là những bài học vô giá.
Là một sinh viên ngành công tác xã hội, một trong số ít những ngành không nằm trong khối sư phạm của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, tôi đã từng trăn trở rất lâu một điều. Đó là làm sao để vận dụng những gì mình học được để có thể nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào Đoàn, Hội. Bởi, thành công và giá trị của các hoạt động Đoàn, Hội đem lại cho cộng đồng xã hội và cho bản thân người đoàn viên, thanh niên là không hề nhỏ, nhưng trên thực tế, trong quá trình hoạt động Đoàn không thể tránh khỏi những hạt sạn, những thiếu sót khiến cho thành công không như mong đợi hay hiệu quả hoạt động thiếu tính bền vững.
Đ/c Mai Hương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn và Trao Giải thưởng 26 tháng 3 năm 2018
Đoàn Thanh niên là một tổ chức chính trị xã hội gắn chặt với đời sống và quá trình rèn luyện, tu dưỡng của học sinh, sinh viên, có sức lan tỏa to lớn và khả năng thay đổi tích cực cho xã hội. Trong khi đó, ngành công tác xã hội cũng có đối tượng hướng đến sự phát triển con người, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, giàu đẹp, văn minh. Trong công tác xã hội, những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng là một đối tượng tác nghiệp được quan tâm. Sinh viên ngành công tác xã hội đều được học một học phần mang tên: “Công tác đoàn và phong trào thanh niên”. Điều đó chứng tỏ rằng, nút giao giữa Công tác xã hội và phong trào Đoàn, Hội là một điểm mấu chốt quan trọng, cho thấy đây là hai lĩnh vực có mối quan hệ với nhau. Và nếu nắm bắt được và biết cách khai thác, có thể Công tác xã hội sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, Hội,và ngược lại.
Công tác xã hội khi làm việc với thân chủ rất đề cao việc hỗ trợ thân chủ tự giúp, tức là giúp thân chủ phát huy những điểm mạnh, tiềm năng tự giải quyết vấn đề gặp phải. Vấn đề khó khăn của thân chủ phải được giải quyết triệt để một cách lâu dài chứ không chỉ nhất thời. Áp dụng mục tiêu này, trong các hoạt động Đoàn, Hội, cụ thể là hoạt động Thanh niên tình nguyện, hoạt động từ thiện cần áp dụng tôn chỉ: “Cho cần câu hơn cho xâu cá”. Hoạt động giúp dân tại cộng đồng của thanh niên tình nguyện không chỉ là đóng góp sức lao động, huy động tiền của, vật chất để giúp họ vượt qua khó khăn nhất thời mà còn cần phải chỉ ra, cung cấp và giúp họ chủ động biết được cách tự làm. Với lợi thế là sinh viên trường Đại học Sư phạm, chúng ta rất có khả năng có thể lựa chọn, đẩy mạnh và thực hiện tốt mục tiêu này. Đội hình xây dựng nông thôn mới là một ví dụ điển hình với hoạt động dạy kỹ năng về tin học cho bà con để bà con có thể chủ động tiếp cận với khoa học công nghệ. Thiết nghĩ, các hoạt động tại cộng đồng khác rất cần nêu cao mục tiêu cung cấp cách làm để đối tượng tự giúp, như vậy sẽ khiến cho hiệu quả hoạt động được dài lâu, người dân có sự chủ động tự vươn lên giải quyết khó khăn, hòa nhập cuộc sống.
Trên đây là ý kiến mang tính chủ quan và tính xây dựng, dựa trên những hiểu biết hạn hẹp và kinh nghiệm ít ỏi mà tôi tích lũy được trong quá trình hoạt động Đoàn. Đó cũng là những lời gửi gắm, tâm sự và những cảm xúc mà tôi đã có được trong khoảng thời gian gần 4 năm được là Đoàn viên của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, được là Bí thư chi đoàn K64A, Phó Bí thư LCĐ khoa Công tác xã hội. Mong được góp chút sức lực nhỏ bé của mình để có thể góp phần xây dựng Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường Đại học Sư phạm ngày càng lớn mạnh, là một bông hoa rực rỡ giữa rừng hoa tuổi trẻ của đất nước.
TẠ THỊ MAI HƯƠNG – KHOA CTXH
ĐOÀN VIÊN NHẬN GIẢI THƯỞNG 26 THÁNG 3 ĐỢT XIV NĂM 2018