"ĐỘI THANH NIÊN XUNG PHONG CHÔNG MỸ CỨU NƯỚC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI"


19-08-2016

Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Ban chấp hành Đoàn trường xin giới thiệu bài viết "ĐỘI THANH NIÊN XUNG PHONG CHÔNG MỸ CỨU NƯỚC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI" của thầy Đào Phú Quyền - Phòng Khoa học và Công nghệ trường ĐHSP Hà Nội

Cách đây 35 năm có một Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (ĐTNXPCMCN) duy nhất của các trường Đại học vào tham gia sản xuất và chiến đấu ở tuyến lửa khu IV được ra đời ở trường Đị học Sư phạm Hà Nội.

Sự ra đời của Đội  gắn liền với phong trào thanh niên ba sẵn sàng do Trung ương Đoàn phát động. Mọi tổ chức Đoàn và Đoàn viên ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều rèn luyện theo nếp sống quân sự hóa. Sáng sáng các chi đoàn đều tổ chức tập thể dục, chạy vũ trang; hàng tuần, hàng tháng đều có tập báo động và tập hành quân mang nặng.

Đào tạo người giáo viên trước hết là đào tạo đạo lý làm người. Người thầy giáo cần phải có tình yêu và trách nhiệm đối với dân tộc và đất nước. Chính từ suy nghĩ này mà Ban Giám hiệu, Đảng ủy và Đoàn TNCSHCM nhà trường quyết định thành lập một Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước để vào khu IV sát cánh cùng bộ đội và nhân dân tham gia sản xuất và chiến đấu. Hè năm 1966, khi những bài học cuối cùng vừa kết thúc, mỗi chi đoàn họp để chọn ra một người vào Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Khu IV lúc này là trận địa đầy gian lao vất vả. Vậy mà phần lớn các chi đoàn đều có nhiều cánh tay giơ cao xung phong gia nhập Đội thanh niên xung phong, ai cũng mong muốn được đống góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Mỗi chi đoàn chỉ được chọn một người. Ban chấp hành chi đoàn phải cân nhắc mãi về nhiều phương diện để lựa chọn.

Đội gồm 109 thành viên, trong đó có PGS Đinh Như Chương, Nguyên Văn Kiến (CB khoa Toán), Phạm Ngọc Đĩnh (CB Khoa Địa), Nguyễn Nghĩa Trọng (CBGD Khoa Văn)… một số sinh viên sau là cán bộ của Trường như Trần Thị Bính, Trần Thị Đà, Nguyễn Hữu Tiềm (khoa Hóa), Đào Phú Quyền (phòng Khoa học), Nguyễn Thị Ninh (khoa Toán), Đoàn Thị Mai, Lâm Quang Dốc (khoa Địa), một số cán bộ nay đã rời Trường đi nhận công tác khác, như Phạm Như Thân (nay là cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương), Nguyễn Đình Lượng cán bộ Trung ương Đoàn), Tô Bá Trọng (Chánh văn phòng Liên hiệp của Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Mai Văn Chược (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn), Đỗ Lệch Điện (Hiệu trưởng trường Amxtecdam)…

Lễ xuất quân của đội tiến hành vào buổi sáng trên con đường lớn từ hội trường lớn hướng ra cổng chính. Toàn đội xếp thành một khối chỉnh tề đứng giữa. Khoảng tám trăm sinh viên tốt nghiệp đang tập quân sự xếp thành hai khối với đầy đủ trang bị đứng hai bên để tiễn đưa. Nhóm làm phim tài liệu của Xưởng phim Quân đội ghi lại giờ phút lên đường đầy dững khí. Giáo sư Phạm Huy Thông – Hiệu trưởng nahf trường, nhà trí thức đầy tâm huyết, đã trao nhiệm vụ và căn dặn các chiến sĩ trước lúc xuất quân. Đồng chí Nguyễn Văn Mạo (sau này là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội I), Đảng ủy viên trường, Bí thư Đoàn trường, đội trưởng của Đội, đã thay mặt 109 cán bộ chiến sĩ của Đội, hứa với nhà trường, Đội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi tuyến lửa, xứng đáng với sự tin tưởng của toàn thể cán bộ và sinh vên toàn trường.

Bấy giờ giặc Mỹ liên tục oanh kích miền Bắc. Ngày nào cũng vang vang tiếng còi báo động, máy bay gầm, bom đạn nổ. Để đảm bảo vào tới khu IV an toàn, lịch hành quân của Đội là tối đi, ngày nghỉ. Tối hành quân đầu tiên là lúc cơn bão số 4 ập vào miền Bắc. Từ ga Hà Nội tới ga Cát Đằng (Nam Định) hành quân bằng tàu hỏa. Từ ga Thường Tín bắt đầu cảm thấy cảnh đổ nát của chiến tranh. Cảnh nhà cháy, tường đổ, hố bom chi chít, toa tàu bay cắm dưới ruộng, đường ray, cột điện cong queo… liên tục hai bên đường tàu. Tới Nam Đinh mưa bão bắt đầu to dần. Bước khỏi toa ở ga Cát Đằng là bước ngay vào giữa trận bão tố, mưa như xối nước, ai nấy ướt đẫm, gió thì tốc mạnh, quất mưa vào người, cứ như muốn đẩy ngược người trở lại. Sóng sông ầm ầm xô vào cầu phao. Cầu phao liên tục chao đỏa vặn véo phát ra những tiếng răng rắc cứ như chuẩn bị đứt ra từng mảnh. May mà toàn đội vượt cầu phao đều an toàn, chẳng ai bị thổi bay xuống sông giữa đêm tối. Tới ga sơ tán của thị xã Ninh Bình, mưa càng lớn, không thể đi tiếp được, mọi người đành ngồi giữa trời, chờ tới 5 giờ sáng, bão mới tạnh dần. Ai nấy đều lạnh cóng. Da mặt tái mét. Toàn đội lại lên đường, đi xa ga 3km để trú quân. Các đồng chí chỉ huy Đội cũng mệt không kém gì anh em nhưng tới địa điểm trú quân là khẩn trương đi liên hệ chỗ nghỉ trong dân để bố trí cho chiến sĩ nghỉ. Mọi người khẩn trương phơi quần áo, cùng lo cơm nước và luôn quan tâm nhau. 5 giờ chiều ngày thứ hai, Đội hành quân từ Ninh Bình tới Hoằng Hóa. Chặng đường này phải vượt qua hai bãi bom nổ chậm lớn ở Đồng Giao và Bỉm Sơn. Mỗi bãi có đường ính vài cây số. Bom nổ chậm to như những con lợn đen sì, nằm đều dặn như những quân cờ trên bàn cờ. Không gian giữa vùng rừng núi vắng lặng; ngoài Đội ra, không có một bóng người. Tới ga Nghĩa Trang nhiều người mệt mỏi, cứ vừa đi vừa ngủ, tới lúc va đầu vào nhau mới bừng tỉnh. Cầu Tào là mốc cuối của chặng hành quân thứ hai.

Sáu giờ chiều ngày thứ ba, Đội bắt đầu xuất phát từ Hoằng Hóa, tới 7 giờ chiều đến con đê phía Bắc cầu Hàm Rồng. Hai bên cầu Hàm Rồng, bom Mỹ dội liên tục, đường sá, nhà cửa đổ nát tan hoang. Nhà cửa chỉ còn là những đống gạch vụn, không còn một mảnh tường. Mặt đường chỉ còn toàn đá dăm, không còn vết tích của nhựa đường bởi liên tục bị bom đánh và liên tục san lấp đường. Cả Đội nằm dọc sườn Bắc để chờ thời điểm được phép vượt cầu. Không gian hoàn toàn vắng lặng mà không khí thanh bình thì không.  Quãng 7 giờ 30 tối toàn đội đã vượt cầu, yên lặng hành quân trong đêm. Bên phải đường là núi, nhà máy điện Hàm Rồng mờ mờ bên trái. Cùng với cầu Hàm Rồng và ga xe lửa, đây cũng là mục tiêu rót bom của đinh. Cán bộ và công nhân nhà máy phối hợp cùng bộ đội chiến đấu rất dũng cảm để giữu vững nguồn điện  phục vụ chiến đấu và sản xuất. Có rất nhiều gương anh hùng đáng học tập.

Khoảng 9 giờ tối, đơn vị đên sthoon Nam Ngạn và trong 10 ngày đầu, Đội tham gia công tác ở đây. Đọi chia thành nhiều nhóm, hoặc tham gia sản xuất cùng với nhân dân ở những cánh đồng gần cầu Hàm Rồng, hoạc tham gia  sửa sang công sự, trực chiến cùng với các đơn vị bộ đội. Không mấy lúc, anh chị em đã hòa vào cuộc sống nơi tuyến lửa.

Sau 10 ngày ở Nam Ngạn đội phân thành các phân đội vào công tác với trung đoàn phòng không 248 bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tôi theo phân đội về đại đội 6 đóng ở trận địa Nam Phát, mé đông nam của Cầu Hàm Rồng, gần nhà máy điện. Trận địa giáp cánh đồng, gần bờ sông Mã. Cán bộ và chiến sĩ nồng nhiệt đón đoàn. Những đồng đội trên cùng trận tuyến nhanh chóng hòa hợp với nhau. Ba mươi phút đầu tiên học thành thạo các thao tác của các pháo thủ từ số 1 tới số 6. Hiệu quả của bài học thể hiện ngay tại chiến trường, có lẽ là cao nhất. Sau đó đồng chí Soài, đại đội trưởng giới thiệu về đơn vị, về những kinh nghiệm và các tấm gương hy sinh chiến đấu, rồi phân anh em về các khẩu đội. Tôi cùng anh Tiềm, anh Chược về khẩu đội đồng chí Kiều Doãn Bi. Đêm đầu tiên có 20 lần báo động chiến đấu cấp 1. Tối, từ pháo vào chỗ nằm, có khi chưa kịp rút hết chân vào màn đã lại nghe lệnh báo động cấp 1, lại nhanh chóng trở lại pháo. Mấy đêm đầu chưa quen, rất khó ngủ, tới đêm thứ tư chỉ ngả lưng xuống là có thể ngủ ngay. Sinh viên vật lý có thể nói vanh vách tốc độ ánh sáng nhanh hơn tiếng động. Vào chiến trường thì vấn đề đó thành máu thịt. Đêm, thấy ánh sáng bom đạn là phải nằm ngay xuống lăn đi, cứ đợi nghe tiếng nổ là dễ bị mảnh đạn bắn qua người.

Trận địa nằm ở vùng bị đánh phá ác liệt, nhà cửa tan hoang, cây cối bị phát cụt, hố bom chi chít. Rửa mặt, đánh răng, tắm rửa đều dùng nước hố bom. Bộ độ ở trong những lán thấp, cao hơn đầu người một ít, mái và vách đều là những tấm phên không đủ che nắng nóng trên trời dội xuống, không đủ che sương sa, mưa gió. Ăn ở rất cực, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu bảo vệ cầu. Bộ đội tâm sự: ngày nào không thấy tàu xe qua cầu, cả ngày thấy bứt rứt.

Buổi tối các sinh viên biểu diễn ca hát ngay trên mâm pháo. Nhiều chị em thức tới khuya, khâu vá quần áo cho chiến sĩ dưới ánh đèn nhỏ nhoi bị che chắn. Một sinh viên khoa Sử, người Tây Nguyên, tận dụng buổi trưa, tiện các ống nứa làm thành chiếc đàn t’rưng để tặng cho đơn vị và dạy cho nhiều chiến sĩ biết đánh đàn. Tranh thủ thời gian nghỉ, các chiến sĩ của đơn vị chế tạo từ xác máy bay ra những chiếc nhận, chiến lược kỷ niệm lại anh chị em trong Đội.

Ngày thứ ba và thứ tư, ngày chiến đấu tại đơn vị. 5 giờ chiều, người, xe, pháo xuất phát. Đơn vị hành quân vượt cầu Hàm Rồng, cầu Tào rồi rẽ về phía Tây. Tới lúc mờ tối lập trận địa ngay trên mặt đê để phục kích máy bay địch. Sau khi lều bạt căng lên vài tiếng là đã có sương rơi từ mái xuống tí tách. Ngồi trên mặt đê rất mát mà ngả lưng xuống thì không ngủ được. Mặt đê bị nung nóng cả ngày tối tối hơi nóng vẫn bốc lên hầm hập. Trong hai đêm phục kích chỉ có một trận đánh dịch diễn ra chừng 5 phút.

Thời gian ở trận địa trôi qua rất nhanh rồi cũng tới lúc hai bên lưu luyến chia tay. Nhiều năm sau tôi vẫn còn nhận được thư - những lá thư đầy tình cảm của các chiến sĩ trong cùng khẩu đội.

Cuối hè, kết thúc đợt công tác, Đội lại lên đường về Hà Nội, tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

Ba mươi lăm năm đã trôi qua. Những đội viên của đội giờ đây tóc đã điểm bạc, người đã về hưu, người đã có cháu nội, cháu ngoại, nhiều người là TS, PGS.TS, nhà giáo ưu tú... Thời gian đội tham gia công tác ở tuyến lửa khu IV rất ngắn ngủi so với quãng đời công tác của mỗi người, song thời gian ấy đã để lại những kỷ niệm đạp, sâu sắc, để lại một ánh lửa sáng trong tâm hồn của các chiến sĩ trong toàn Đội.

(Trích lược Hồi ký - 2001)

Post by:
19-08-2016