Cội nguồn của giải thưởng
Là một trong những người khởi xướng ra Giải thưởng này, TS Võ Thế Quân - nguyên Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội, nay là Hiệu trưởng Trường phổ thông Đông Đô (Hà Nội) vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên ấy.
TS Võ Thế Quân tâm sự:
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, NGƯT Phạm Đăng Dư, nguyên Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội có sáng kiến thành lập CLB Cựu cán bộ Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội. CLB này đã hoạt động rất có hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cán bộ Đoàn trường.
Cách đây đúng 10 năm, trong buổi gặp mặt truyền thống thường niên của CLB, chúng tôi có đề xuất thành lập một giải thưởng để động viên và tôn vinh các đồng chí cán bộ Đoàn có nhiều đóng góp cho phong trào Đoàn mang tên Giải thưởng 26/3. Ý tưởng này ngay lập thức được mọi người nhiệt tình hưởng ứng và quyết định trao cho Ban chấp hành Đoàn trường đương nhiệm soạn thảo và ban hành các văn bản chính thức liên quan đến hình thành giải thưởng.
Vào tháng 3/2004, Giải thưởng 26/3 của Trường ĐHSP Hà Nội chính thức được hình thành. Các văn bản của Ban chấp hành Đoàn trường được ban hành sau đó một thời gian.
Đảm bảo giải thưởng được trao tặng đều đặn, nghiêm túc và có chất lượng, Ban chấp hành Đoàn trường ĐHSP Hà Nội bên cạnh ban hành quy chế xét giải thưởng đã đồng thời thành lập Quỹ Giải thưởng 26/3. Tôi đã vinh dự được giao làm Chủ tịch của quỹ. Quỹ Giải thưởng 26/3 huy động sự ủng hộ, đóng góp nhiệt tình của các đồng chí cựu cán bộ Đoàn cũng như các tổ chức, cơ quan, đoàn thể quan tâm đến phát triển phong trào đoàn, quan tâm tạo điều kiện cho các thế hệ Đoàn phát triển…
Liên quan đến Giải thưởng này, cũng phải nói đến Bản tin 26/3 được Trường ĐHSP Hà Nội phát hành hàng năm. Đây là tài liệu tuyên truyền về Giải thưởng, trong đó có ghi lại hoạt động của Đoàn thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội trong thời gian một năm. Đồng thời, tuyên dương các cá nhân được tặng giải thưởng 26/3, tóm tắt, tiểu sử, thành tích của các cán bộ đoàn ưu tú; công bố bài viết của các đồng chí được tặng giải thưởng với nội dung là những trăn trở, kinh nghiệm về công tác Đoàn…
Giải thưởng 26/3 với tài liệu tuyên truyền này được lan tỏa rộng khắp trong đoàn viên thanh niên không chỉ Trường ĐHSP Hà Nội mà còn cả một số trường ĐH khác quan tâm đến Giải thưởng.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói là, sau khi Giải thưởng 26/3 của Trường ĐHSP Hà Nội chính thức được hình thành, năm trao Giải thưởng đợt đầu tiên vào 2005, ngay sau đó, Ban chấp hành Trung ương Đoàn cũng ban hành một giải thưởng cùng tên.
Bản thân chúng tôi không rõ có sự tham khảo giải thưởng của trường không; có thể Trung ương Đoàn cũng đã có ý tưởng thành lập giải thưởng này. Và như vậy, hai ý tưởng đã gặp nhau với cùng mong muốn có một giải thưởng dành riêng cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Có điều ý tưởng của Đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã được thực hiện sớm hơn Trung ương Đoàn một năm.
Thủ lĩnh Đoàn phải giỏi chuyên môn
Nhân chuyện Giải thưởng 26/3, TS Võ Thế Quân chia sẻ suy nghĩ về chế độ động viên, khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay. Ông cho rằng cán bộ Đoàn là đội ngũ dự bị cho hệ thống cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước. Như người ta vẫn nói, Đoàn thanh niên chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận cho Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, việc hình thành, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn là việc vô cùng quan trọng, không chỉ đối với Đoàn và đối với công tác Đảng cũng như công tác xây dựng chính quyền.
Sự chăm lo bồi dưỡng này, theo tôi phải trên cả hai phương diện. Thứ nhất, đó là tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ này hoạt động, để họ có thể phát huy toàn bộ năng lực. Thứ hai cũng vô cùng quan trọng đó là chế độ chính sách cho cán bộ Đoàn cả mặt vật chất và tình thần. Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên quan tâm, động viên, phải quan tâm để đảm bảo đội ngũ này có đời sống ít nhất ở mức trung bình, mức tương đối khá so với điều kiện sống hiện nay. Có như vậy họ mới có thể toàn tâm toàn ý cho công tác Đoàn, cũng như thể hiện được tâm huyết, tài năng của mình, đóng góp cho công việc chung của Đoàn và phong trào thanh niên cả nước”.
Theo TS Võ Thế Quân chế độ cho cán bộ Đoàn hiện nay phụ thuộc vào từng đơn vị, cơ quan, trường học. Ở đâu Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm tới tổ chức Đoàn thì ở đó cán bộ Đoàn có cơ hội thể hiện năng lực và sở trường của mình, giúp ích cho công tác chung của đơn vị. Nói một cách khác, nếu đơn vị nào có phong trào Đoàn xuất sắc, tôi chắc chắn ở đó, người ta có quan tâm đúng mức cho công tác Đoàn và ngược lại.
Hiện nay, hầu hết cán bộ Đoàn đều là kiêm nhiệm. Có nghĩa là họ vừa phải đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm thêm công tác Đoàn. TS Võ Thế Quân cho rằng, hai việc này, nếu có sự kết hợp khéo léo sẽ hỗ trợ cho nhau một cách có hiệu quả.
Vì thứ nhất, thủ lĩnh Đoàn phải là những người có chuyên môn giỏi thì tiếng nói mới có trọng lượng đối với các đoàn viên, thanh niên. Nên, để làm cán bộ Đoàn giỏi, trước hết người đó phải có chuyên môn giỏi. Khi đã có năng lực chuyên môn, lại làm trong môi trường Đoàn, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, được rèn luyện trong môi trường chính trị, người đó sẽ được thúc đẩy thêm những năng lực về tổ chức, lãnh đạo.
“Công tác Đoàn sẽ góp phần làm công tác chuyên môn tốt hơn. Vì thế, không có mâu thuẫn đối kháng giữa công tác chuyên môn và công tác Đoàn mà ở đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, hỗ trợ cho nhau. Những đồng chí chuyên môn giỏi sẽ có nhiều thuận lợi để làm tốt công tác Đoàn và ngược lại.” - TS Võ Thế Quân
Theo Hiếu Nguyễn - Báo Giáo dục thời đại